Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

Bí quyết để thương lượng lương cao cho phái nữ

 Luyện tập trước
Luyện tập trước những gì bạn muốn nói – giống như bạn đang chuẩn bị cho phần trình bày về một dự án nào đó vậy. Điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn và phát hiện thêm một số lập luận mới. Theo chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Alexia Vernon, “Bạn cần tập yên lặng, lắng nghe sau khi đưa ra các lập luận. Nếu nói quá nhiều, bạn sẽ rơi vào tình huống tự ‘đào mìn’ cho mình vì làm mất đi sự tín nhiệm và để lộ ra cảm giác hồi hộp, bất an.” 
Nhiều nhận định cho rằng phái nữ thường tỏ ra chần chừ khi đề cập đến lương bổng. Bà Becky Sheetz-Runkle, tác giả quyển sách Sun Tzu for Women: The Art of War for Winning in Business, cho biết, “Phụ nữ thường lo lắng quá mức so với nam giới, nhất là khi liên quan đến vấn đề thương lượng mức lương và đề nghị thăng chức… Không chỉ đơn giản là chuyện ai làm việc chăm chỉ hơn ai. Phụ nữ thường cho rằng nếu làm việc chăm chỉ, bạn sẽ được chú ý cất nhắc. Nhưng thực tế đôi khi không phải vậy, phái nữ cần trực tiếp đưa ra những yêu cầu, mong muốn chứ không nên nhượng bộ hay chờ đợi.” 
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích giúp phái nữ thành công khi đề nghị mức lương xứng đáng với đóng góp của mình: 
1. Chuẩn bị thông tin sơ bộ
Trước khi gặp sếp và đề nghị được tăng lương, hãy dành thời gian khoảng vài tuần để thu thập các thông tin về xu hướng lương bổng trong lĩnh vực của bạn. 
Bạn có thể bắt đầu bằng cách nghiên cứu mức lương trung bình của những người làm cùng vị trí tại khu vực bạn cộng tác để có cái nhìn xác đáng về mức thù lao thích hợp cho công việc của bạn. Ngoài ra, theo bà Linda Swindling, chuyên viên tư vấn về kỹ năng lãnh đạo và tác giả quyển Get What You Want: Harness the Power of Positive Influence, “Để đào sâu thêm vấn đề, bạn hãy tham khảo ý kiến của các tổ chức hay hiệp hội về nhân sự và phải đảm bảo các tư liệu bạn có được là chính xác.” 
2. Chuẩn bị lập luận cho trường hợp của bạn
Cho dù thông tin bạn thu thập được cho thấy mức lương hiện thời của bạn là dưới mức trung bình thì việc đề nghị tăng lương với lý do “như vậy mới công bằng với bạn” thì không đủ để bạn thuyết phục sếp. Điều quan trọng bạn cần đưa ra những luận điểm cho thấy những nỗ lực và cống hiến của bạn xứng đáng với điều đó. 
Ngoài ra, bạn cũng có thể ghi ra những thành tựu chính yếu của bạn trong thời gian công tác tại công ty, cách thức bạn đóng góp cho công ty, và những email hay thư từ khen ngợi về kết quả làm việc của bạn… Đây là những chứng cứ giá trị và mang tính thuyết phục cao, giúp bạn tự tin hơn khi nói chuyện với sếp. 
Thậm chí để hiệu quả hơn nữa, bạn có thể lập ra danh sách các mục tiêu, chẳng hạn như: chỉ rõ những thành tích đã đạt được và những dự định của bạn nhằm cống hiến nhiều hơn cho công ty trong vòng 3 tháng hay 1 năm sắp tới. 
3. Thay đổi quan điểm của chính bạn về thương lượng
Theo Sheetz-Runkle, “Bản chất của thương lượng là đối kháng nhưng không đến mức quá thù địch.” Do đó, thay vì xem thương lượng là một “cuộc chiến” bắt buộc phải có kẻ thắng người thua, hãy xem đó như một cuối đối thoại mà cả hai bên đều có thể đạt được những gì mình mong muốn khi kết thúc. Nếu bạn muốn được tăng lương còn sếp bạn muốn giữ chân người tài thì cuộc đối thoại sẽ kết thúc với kết quả tốt đẹp cho cả hai bên. 

4. Rút kinh nghiệm cho lần sau
Thời điểm dễ nhất để thương lượng và đạt được mức lương bạn mong muốn là trước khi bạn nhận lời làm việc cho một công ty nào đó. Khi tiếp xúc với công ty mới và bước vào giai đoạn thương lượng lương, hãy nói không nếu mức lương quá thấp và đừng ngần ngại đưa ra con số mà bạn mong muốn. Theo chuyên gia Vernon, “Khi thương lượng lương, phái nữ thường đưa ra con số thấp hơn so với các đồng nghiệp nam. Điều này làm tổn hại nhiều đến lợi ích của bạn, và cũng giống như là việc bạn chẳng có ý kiến gì về mức lương mà nhà tuyển dụng đề nghị. Hãy yêu cầu những gì bạn xứng đáng được có – điều này khiến bạn trông có vẻ “hiếu chiến” nhưng về lâu về dài bạn sẽ hài lòng vì mình đã làm như thế.”

“Mẹo” săn việc làm cho sinh viên mới vừa tốt nghiệp

Những nhà quản lý 1 ngày có thể nhận đến hơn 100 email chưa kể các cuộc điện thoại từ những người tuyển dụng mà họ không hề quen biết
Dưới đây là các “mẹo” nhỏ giúp tân cử nhân tìm kiếm công việc hiệu quả hơn
1. Làm việc không lương
Trong trường hợp bạn không được chọn vào vị trí công việc bạn mong muốn hãy cân nhắc về việc làm không lương tại các vị trí tương tự tại các công ty có uy tín hoặc các tổ chức phi chính phủ mà bạn yêu thích. Thời gian làm việc có thể là từ 1 đến 3 ngày/tuần.
Tất nhiên các công ty luôn mong muốn tuyển dụng nhân viên mà không cần trả thù lao. Khi đã được chấp nhận làm việc tình nguyện, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm mới để chuẩn bị cho những công việc thực sự tiếp theo.
Ví dụ: Susan 1 sinh viên mỹ thuật mới tốt nghiệp muốn được làm việc ở phòng tranh nhưng cô không tìm được 1 công việc như thế trên các website việc làm. Cô đã tình nguyện giúp công ty tổ chức buổi triển lãm tranh tại Viện bảo tàng 1 tuần/ lần. Tại đây, Susan đã gặp các ông chủ phòng tranh nổi tiếng và 1 trong số họ đã quyết định tuyển dụng cô về làm việc
2. Chấp nhận mức lương thấp ở các công ty nổi tiếng
Lời khuyên dành cho các bạn: Nhận mức lương thấp lúc này rất có thể sẽ giúp bạn kiếm được 1 mức lương cao gấp nhiều lần sau đó. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi bạn làm việc tại 1 công ty hoặc tổ chức nổi tiếng được nhiều người biết đến.
Ví dụ: Khi mới tốt nghiệp đại học, Charles có 1 công việc với mức lương thấp chỉ bằng 1 nửa so với các bạn bè cùng lứa nhưng anh được làm việc tại một công ty tin học nổi tiếng nổi tiếng trên thế giới. Tại đây, anh đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ đông nghiệp. Dần dần, các kinh nghiệm thực tế của anh trong lĩnh vực tin học nhiều hơn rất nhiều so với các bạn bè có thu nhập cao cùng trang lứa.
Do đó, bạn hãy sẵn sàng chấp nhận các công việc có mức lương thấp trong trường hợp có thể sử dụng chúng như chiếc cầu nối cho sự nghiệp trong tương lai
3. Tích cực liên lạc với các đầu mối thông tin
Hãy lên danh sách những người có nhiều bạn bè hoặc nhiều mối quan hệ xã hội mà bạn biết và gọi điện thoại cho họ chứ đừng gửi email.
Bạn hãy hỏi họ tên cụ thể của những người có thể giúp đỡ bạn tìm việc trong lĩnh vực bạn đang tìm kiếm. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm thông tin từ họ hàng, người thân hoặc bạn bè cùng lớp và đừng chần chừ nhấc điện thoại lên ngay khi bạn có được số điện thoại để liên hệ
4. Đừng chỉ trông chờ vào các website tìm việc
Vâng, sẽ rất sung sướng nếu bạn chỉ cần ung dung ngồi ở nhà và click chuột nộp hồ sơ online trong khi đang nghe nhạc hoặc nhắn tin với bạn bè.
Đừng đặt cược công việc của bạn 1 cách thụ động như thế. Lời khuyên dành cho bạn là chỉ dành tối đa 60 phút/ngày hoặc ít hơn để tìm kiếm cac công việc trên website tuyển dụng online. Bạn nên biết,có thể hàng trăm sinh viên mới ra trường hoặc người chưa có việc làm cũng đang ứng tuyển như bạn.
Giải pháp cho tình huống này là hãy gọi điện thoại cho những người có nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy và sử dụng các thông tin đó để gõ cửa những nhà tuyển dụng. Đây là chiến lược tìm việc vô cùng hiệu quả nhưng đòi hỏi bạn phải luôn chủ động khai thác và mở rộng mối quan hệ của mình.
5. Chủ động tiếp cận trực tiếp các nhà tuyển dụng
Tuy nhiên họ lại rất ít khi nhận được những cuộc gọi từ các ứng viên trong các trường hợp như: “Xin chào, tôi là Thomas rất hân hạnh được nói chuyện với anh. Ông David giám đốc Marketing của quý công ty có giới thiệu rằng anh là người rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực nên tôi muốn gọi điện để hỏi thêm về vị trí nhân viên marketing ở bộ phận anh đang tuyển dụng ”…Ngoài ra, sau cuộc trò chuyện hoặc phỏng vấn, bạn nên gửi những bức thư tay bày tỏ sự cảm ơn vì đã dành thời gian và đưa ra lời khuyên cho bạn.
Việc làm này sẽ khiến các nhà quản lý đánh giá cao về sự chuyên nghiệp của bạn và nhớ về cách tạo mở ra cho bạn 1 cơ hội công việc đáng giá.

3 yếu tố quyết định nên sự thành công của người tìm việc

Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy nhà tuyển dụng mong muốn nhân viên đi làm đều đặn hàng ngày và luôn sẵn sàng làm việc. Tuy nhiên, người tìm việc lại hiếm khi đề cập tới vấn đề này trong cuộc phỏng vấn, cũng như không nhấn mạnh việc hầu như mình không nghỉ làm ở công việc cũ hoặc vừa mới hoàn thành khóa đào tạo hay chứng chỉ. Tất cả những điều đó giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn sâu sắc hơn về độ tin cậy của ứng viên. 

Sau nhiều năm nghiên cứu về thị trường tuyển dụng, nhà xã hội học Mary Walshok và 2 đồng nghiệp nhận thấy rằng các nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm 3 yếu tố sau ở ứng viên: 
Yếu tố 1: Khả năng học hỏi 
Nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố hàng đầu là các ứng viên phải chứng tỏ họ có kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết để làm việc, hoặc ít nhất phải biết học nhanh. 
“ Các nhà tuyển dụng nhận thấy rằng sự nhạy bén của công ty và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường đòi hỏi họ phải có những nhân viên có thể thích ứng và thay đổi cùng thị trường”, Walshok nói. Ngoài ra, dù kinh nghiệm trực tiếp rất cần thiết nhưng nó không quan trọng bằng khả năng thích nghi và bắt nhịp với hoàn cảnh mới. 
Yếu tố 2: Đáng tin cậy 
Bệnh tật hay những vấn đề khác gây ra sự vắng mặt thường xuyên ở công sở sẽ gây ra thiệt hại vể năng suất cho công ty và gia tăng phần việc lên những nhân viên khác. Do đó, các công ty thường tìm kiếm những ứng viên có độ tin cậy cao và không hay nghỉ làm. 
Yếu tố 3: Luôn đúng giờ 
Cuối cùng, nhà tuyển dụng muốn nhân viên của mình phải luôn luôn đúng giờ. Sự chậm trễ, dù với bất cứ lý do gì, đều được coi là sự thiếu thôn trọng người khác và nó có thể gây thiệt hại về tài chính cho công ty. Vì vậy, người tìm việc nên đưa ra bằng chứng về sự đúng giờ của mình cho nhà tuyển dụng.

Thời trang chốn công sở

Mặc những gì mà bạn cảm thấy tự tin và phù hợp với bạn nhất bởi vì mục đích cuối cùng của thời trang chính là sự thoải mái cho người mặc.
Nếu công ty của bạn không quy định đồng phục cho tất cả các ngày trong tuần thì đó là một điều may mắn. Ít nhất bạn đã có cơ hội thể hiện cá tính của mình so với hơn 50% trong tổng số các nhân viên văn phòng. Tuy thời đại ngày nay, những quy định khắt khe trong trang phục giữa nam và nữ đã được xóa bỏ nhưng vậy không có nghĩa là bạn muốn mặc như thế nào cũng được trong môi trường công sở.
“Những người ăn mặc tốt hơn thường điều hành công việc tốt hơn” – David McKight, nhân viên tư vấn hình ảnh tại New York cho biết. Ông cũng cho rằng: “Họ thường được nhiều trách nhiệm hơn và được thể hiện sự tôn trọng nhiều hơn”.
Dưới đây là một vài lời khuyên về những gì nên và không nên trong trang phục công sở để bạn có thể tạo được ấn tượng tốt nhất đối với sếp, đồng nghiệp và khách hàng.
Những điều không nên
Môi trường kinh doanh bình thường không phải là một tạp chí thời trang miễn phí cho tất cả mọi người – Susan Bixler, Chủ tịch và người sáng lập Tập đoàn Tư vấn Bixler đã nói như vậy.
Như vậy có nghĩa là nếu công ty bạn không phải là một doanh nghiệp đề cao chủ nghĩa cá nhân như các ngành thời trang hay quảng cáo thì ít nhất bạn phải tuân thủ những điều sau đây:
  1. Không mang dép
  2. Không có hình xăm có thể nhìn thấy được.
  3. Đừng trang điểm quá đậm, dùng nước hoa quá nhiều, mặc quần áo quá ngắn và quá chật nếu không muốn trở thành đối tượng bị soi mói của mọi người.
  4. Không xuất hiện ở công sở với một bộ râu lởm chởm, đôi giày cáu bẩn hay bộ quần áo nhàu nhĩ. Hãy tôn trọng quy phạm tối thiểu nhất của thời trang là sự sạch sẽ!
Những điều nên
Nếu sếp không cho bạn biết về quy cách thời trang của công ty, đừng ngại ngần lên tiếng hỏi. Nếu ngại, bạn có thể tìm một lựa chọn an toàn bằng quần Tây, áo sơ-mi dài tay đối với cả nam và nữ.
Hãy luôn xuất hiện ở công ty trong bộ quần áo được giặt ủi cẩn thận.
Hãy nhớ rằng: “Có rất nhiều điều chúng ta không có quyền kiểm soát, nhưng những gì chúng ta có thể kiểm soát là hình ảnh về tính chuyên nghiệp chúng ta hiển thị với thế giới” (Bixler).

Những sai lầm ngớ ngẩn nên tránh gặp phải trong CV

Mỗi lỗi đánh máy là một nguyên nhân khiến CV của bạn có nguy cơ bị đưa vào thùng rác. Nên nhớ, CV thường không dài, chẳng có lý do gì để mắc lỗi chính tả ngoại trừ bạn thiếu nghiêm túc, không thèm đọc lại khi đã viết xong. Nhà tuyển dụng sẽ rất dị ứng, giống như khi bạn ăn cơm mà mắc phải những hạt sạn vậy. Thậm chí, những nhà tuyển dụng khó tính sẽ cho rằng bạn thiếu tôn trọng người đọc.

Nhiều người cố ép CV ngắn gọn trong 1 trang giấy vì họ nghe nói CV không nên dài dòng. Để có thể gói gọn như thế, họ đành phải cắt bỏ một số mục và nhiều khi, họ có thể xóa đi những thành tích ấn tượng với nhà tuyển dụng.
 Muốn nổi bật trong thị trường việc làm, giữa nhiều đối thủ cạnh tranh như hiện nay, ít nhất, CV của bạn cũng cần phải tránh được những sai lầm ngớ ngẩn sau:
- Quá tập trung vào nhiệm vụ công việc
CV không phải là nơi để bạn liệt kê danh sách những nhiệm vụ, trách nhiệm công việc bạn gánh vác. Chẳng có nhà tuyển dụng nào thích ngồi đọc những dòng liệt kê khô cứng mang tính quy củ và lý thuyết một cách quá mức.
Một trong những lời khuyên đầu tiên các nhà tuyển dụng đưa ra trong trường hợp này là thay vì kể lể trách nhiệm, ứng viên nên thể hiện và chứng minh cho họ thấy, bạn đã làm được những gì và làm cách nào để thực sự nổi bật trong công ty. Đây là khi bạn cần đưa ra dẫn chứng cụ thể cho những thành tích của mình.
Khi nói về phần này, bạn hãy tự hỏi: làm thế nào mà bạn thực hiện công việc tốt hơn những người khác, những khó khăn, thách thức cần đối mặt là gì và làm thế nào bạn vượt qua được, kết quả của những lần vượt qua thử thách đó là gì, bạn đã nhận được những giải thưởng hay lời khen ngợi nào từ công ty, đối tác và khách hàng...
- Dùng nhiều đại từ nhân xưng
Nên nhớ, CV là một hình thức giao tiếp trong môi trường làm việc, vì vậy, phải ngắn gọn và được viết theo một phong cách trung tính, không nên đưa vào quá nhiều đại từ nhân xưng kiểu tôi, chúng tôi.
Với những câu đã dùng đại từ, bạn nên xem lại và nếu có thể, hãy cắt đi để vừa ngắn gọn lại tránh được sự áp đặt ý chí cá nhân.
Chẳng hạn, với thành tích "tôi phát triển thị trường cho sản phẩm mới, tăng doanh số bán hàng thêm 2 triệu USD/tháng và tăng tổng lợi nhuận 12% trong phân khúc thị trường hiện tại", bạn hoàn toàn có thể bỏ đại từ nhân xưng "tôi" đầu câu và thay vào đó là những gạch đầu dòng chỉ rõ những thành tích đã đạt được.
- CV quá ngắn hoặc quá dài
Nhiều người cố gắng ép CV của mình gói gọn trong 1 trang giấy vì họ nghe nói CV không nên dài dòng. Để có thể gói gọn như thế, họ đành phải cắt bỏ một số mục và nhiều khi, họ có thể xóa đi những thành tích ấn tượng với nhà tuyển dụng chỉ vì cho rằng nó không mấy quan trọng.
Ngược lại, có những ứng viên lại chọn cách "viết thừa còn hơn bỏ sót", sẵn sàng đưa vào hàng loạt những kinh nghiệm không liên quan gì đến vị trí hiện tại để... dự phòng. Kết quả là, CV của họ trở nên dài dòng, không có điểm nhấn.
Vì thế, khi tạo lập CV, mỗi dòng, mỗi câu, bạn nên tự hỏi, liệu thông tin này có giúp mình vào vòng phỏng vấn hay không. Câu trả lời sẽ giúp bạn biết nên giữ lại hay bỏ bớt thông tin đó.
- Hô khẩu hiệu chung chung
Nhiều ứng viên bị loại ngay từ vòng hồ sơ chỉ vì CV của họ quá chung chung không nêu bật được ưu điểm, thế mạnh của bản thân. Họ cứ viết dài dòng nhưng lại chẳng có thông tin theo kiểu "tôi muốn thử sức ở một vị trí có nhiều khó khăn, thử thách, để có thể khẳng định bản thân và tìm kiếm có hội thăng tiến cho mình". Thế nhưng, khả năng mà họ muốn khẳng định ấy nhà tuyển dụng lại không hề biết.
Với CV kiểu này, nhà tuyển dụng dễ mất cảm tình vì nó tạo cảm giác ứng viên chỉ hô khẩu hiệu, "chém gió", còn thực tế thì chưa ai kiểm chứng. Bởi vậy, nếu bạn nghiêm túc tìm kiếm một con đường sự nghiệp, hãy đưa ra những mục tiêu cụ thể, với trình độ chuyên môn rõ ràng thay vì chỉ ngồi đó mà hô khẩu hiệu.
 - Bố cục nội dung cứng nhắc
Không ít nhà tuyển dụng phàn nàn rằng, họ không nhìn thấy sự tiến triển của ứng viên trên con đường sự nghiệp, dù có những người đã có nhiều năm kinh nghiệm, trải qua nhiều vị trí có giá. Nguyên nhân của tình trạng này là ứng viên không biết cách sắp xếp thông tin để gây chú ý, họ chỉ quen tải những mẫu CV trên mạng rồi cứ thế điền vào mà không đầu tư công sức cho hấp dẫn.
Các chuyên gia cho rằng, tất nhiên, không loại trừ việc tham khảo CV mẫu, nhưng ứng viên cần có sự sáng tạo phù hợp. Có thể bố cục theo thứ tự sau:
- Địa chỉ liên hệ: Tên, địa chỉ, email, số điện thoại
- Lĩnh vực và kinh nghiệm làm việc của bản thân
- Đảo ngược thứ tự thời gian để nhấn mạnh những thành tựu việc làm trong vòng 10-15 năm trở lại đây
- Học vấn: trình độ học vấn, chuyên môn (Với ứng viên mới tốt nghiệp, nội dung này có thể đưa lên trên, theo sau địa chỉ liên hệ).
- Lỗi chính tả
Vì thế, bạn nên đọc kỹ CV cũng như toàn bộ giấy tờ khác trong hồ sơ, để chắc chắn rằng không mắc phải những lỗi đánh máy ngớ ngẩn.

Kỹ năng để giao tiếp thành công

Xây dựng tự tin

Phải tự tin bạn mới có thể phát biểu trước đám đông và mạnh dạn chia sẻ ý kiến của mình. Và để xây dựng sự tự tin, bạn phải không ngừng bồi dưỡng kiến thức cho bản thân.

Ngày nay mọi loại hình công việc đều đòi hỏi nhân viên phải có kỹ năng giao tiếptốt. Đây là mộtkỹ năng rất quan trọng bên cạnh yếu tố chuyên môn bởi nó giúp bạn trở thành một nhân viên hoàn hảo và có nhiều cơ hội thăng tiến. 
Do đó hãy không ngừng cải thiện và vun đắp kỹ năng giao tiếp nơi công sở để gặt hái thành công.

Sắp xếp suy nghĩ trước khi nói

Nếu không có tổ chức, bạn sẽ nói ngay những điều mình nghĩ một cách rời rạc, thiếu logic, thậm chí lỡ lời, nói cả điều không nên nói. Để tránh tình huống đó, hãy cố gắng sắp xếp suy nghĩ của mình theo trình tự trước khi nói.

Nếu tham gia một cuộc đối thoại liên tục, bạn nên nói với tốc độ chậm (nhưng không quá chậm chạp, ngắt quãng dài) để có thời gian suy nghĩ và phản ứng một cách thích hợp.

Lắng nghe mọi người xung quanh

Hãy để ý những người xung quanh bạn và xác định ai là người giao tiếp tốt, ai là người không khéo léo trong ăn nói. Từ thực tế của họ, bạn có thể rút ra kinh nghiệm cho bản thân : học hỏi ưu điểm của người giao tiếp tốt và tránh sai lầm của người không khéo léo.

Tuy nhiên, bạn không nên copy y nguyên cách nói chuyện của người khác. Hãy tự tạo cho mình một phong cách tự tin, riêng biệt để ai cũng có thể nhận thấy đó chính là bạn.
Không phản ứng lại ngay lập tức

Cũng như lời khuyên đầu tiên, bạn nên dành khoảng 10 - 15 giây để hình thành suy nghĩ của mình thay vì phản ứng lại ngay tức khắc trước một câu hỏi hay lời đề nghị.

Đọc nhiều

Đây là điều rất cần thiết bởi nó là nguồn kiến thức của bạn và khi có kiến thức bạn sẽ có cơ sở để giao tiếp tự tin và hiệu quả hơn. Do đó, hãy tích cực đọc những bài báo hay, câu chuyện ý nghĩa cả trong và ngoài lĩnh vực của bạn. Nhờ đó, bạn cũng có thể đa dạng hóa chủ đề cho các cuộc nói chuyện với đồng nghiệp và sếp ngoài công việc.

Thể hiện ngôn ngữ cử chỉ hợp lý

Bạn đã hội tụ những điều trên nhưng vẫn còn một yếu tố không thể thiếu để giao tiếp thành công : ngôn ngữ cử chỉ. Ngôn ngữ cử chỉ phải song song và phù hợp với lời nói của bạn. Vai thẳng và nghiêm chứng tỏ bạn đã sẵn sàng cho cuộc nói chuyện. Lưu ý ở công sở, bạn không thể nói chuyện với sếp và đồng nghiệp trong tư thế thoải mái như ở nhà.

Cách trị chứng uể oải ngày đầu tuần của dân công sở

Bạn không cần tốn nhiều thời gian và công sức để thoát khỏi tình trạng trì trệ, uể oải. Chỉ cần thay đổi bạn bắt đầu tuần làm việc và bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt. Chúc bạn một ngày đầu tuần tràn đầy năng lượng để có một tuần làm việc hiệu quả!

Sau 2 ngày cuối tuần nghỉ xả hơi, nhân viên công sở thường cảm thấy uể oải và khó bắt nhịp lại với guồng quay công việc của 1 tuần mới. Nếu bạn cũng rơi vào tình trạng đó, hi vọng những lời khuyên dưới đây sẽ giúp ích cho bạn:
Trước tiên, hãy tránh làm những việc sau vào sáng thứ Hai:

-         Những việc bạn vốn không thích làm. Tất nhiên, có nhiều việc bạn không thích nhưng bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, bạn có thể trì hoãn chúng sang ngày hôm sau để tránh làm hỏng tâm trạng của ngày đầu tuần.

-         Công việc/ nhiệm vụ lặt vặt. Hàng đống những việc vặt “ không tên” liên tiếp sẽ kéo dài sự uể oải của bạn. Do đó, hãy để chúng đến giữa tuần, khi bạn cần chút thời gian nghỉ ngơi giữa những dự án quan trọng.

-         Tham gia vào một cuộc tranh luận căng thẳng. Dù mâu thuẫn với sếp hay bạn chỉ là nạn nhân và phải hứng chịu sự tức giận của sếp, hãy cố gắng kiềm chế. Lời qua tiếng lại chỉ khiến tình hình thêm xấu đi và làm hỏng cả tuần làm việc của bạn.

-         Kiểm tra hòm thư và trả lời lại liên tục. Làm như vậy bạn sẽ bị kéo vào vòng quay vô tận của đọc thư, trả lời thư và không thể tập trung vào những công việc quan trọng hơn. Hãy trả lời những thư khẩn cấp còn dành những email khác vào một thời điểm thích hợp.

Đồng thời, hãy thực hiện những điều sau vào sáng thứ Hai:

-         Những nhiệm vụ bạn thích làm nhất. Sau cuối tuần nghỉ ngơi, hãy lấy lại động lực làm việc bằng những nhiệm vụ bạn yêu thích. Đó có thể là đánh giá hiệu quả công việc của tuần trước, viết một đoạn trong kế hoạch marketing hay nghĩ về vài ý tưởng cho sản phẩm mới… Hãy tìm ra những điều khiến bạn cảm thấy hứng khởi với công việc và thực hiện nó vào mỗi sáng thứ Hai. 

-         Dành 10 phút để xác định một việc bạn có thể làm tốt hơn trong tuần này so với tuần trước. Đây sẽ là bài tập để khởi động lại bộ máy làm việc của bạn.

-         Dành 15 phút để xác định 3 nhiệm vụ quan trọng nhất cần hoàn thành trong tuần. Công tác định hướng này giúp một tuần làm việc của bạn diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.